HỘI THẢO NỢ ĐỌNG XÂY DỰNG – KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Ngày 18/8, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) tổ chức hội thảo “Nợ đọng xây dựng – Kiến nghị và giải pháp” có sự góp mặt của nhiều lãnh đạo Doanh Nghiệp ngành xây dựng đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án.

Trong khuôn khổ hội thảo, lãnh đạo nhiều DN xây dựng bày tỏ sự quan ngại về tình trạng nợ đọng tiền, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà thầu không chỉ 5 năm gần đây mà có những khoản nợ kéo dài trên 10 năm.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) Vũ Xuân Thắng cho biết, việc nợ đọng tiền thi công do những tranh chấp hợp đồng và chậm hoặc trì hoãn thanh toán là một trong những nguyên nhân khiến các nhà thầu ngày càng gặp nhiều khó khăn.

“Thủ tục thanh quyết toán rất rườm rà, phiền phức và người chịu thiệt hại trước hết là nhà thầu. Ví dụ, hợp đồng thi công là chế tạo 500 tấn của một hạng mục thiết bị cơ khí, nhưng thực tế sau khi làm xong là 530 tấn, nhà thầu chỉ được thanh toán tạm 500 tấn, còn 30 tấn vượt khối lượng bị tạm giữ lại, chờ ký được phụ lục bổ sung hoặc khi quyết toán mới được thanh toán” – lãnh đạo COMA chia sẻ.

Đại diện Tập đoàn Cienco4 chia sẻ, tính riêng biến động một số chủng loại vật liệu chính (chưa tính biến động chi phí nhân công, máy thi công) đã tăng khoảng 20 – 30%.

Đơn giá nhân công thực tế đang ở mức rất cao, tối thiếu 350.000 – 500.000 đồng/ca, hiện việc tuyển dụng lao động rất khó khăn do sự thiếu hụt và nứt gãy nguồn nhân công. Kết hợp với bão giá nhiên liệu từ quý I/2022 đã xuất hiện sự chênh lệch nhân công theo công bố đơn giá của các địa phương.

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) Vũ Xuân Thắng trình bày tham luận tại hội thảo

“Việc thanh toán khối lượng vật liệu phát sinh sau khi có biến động về giá hiện nay chưa có cơ chế rõ ràng. Bên cạnh đó, công bố chỉ số giá chưa phản ánh đúng với thực tế biến động; các địa phương ban hành chỉ số chậm dẫn tới tình trạng chờ đợi của Nhà thầu trong việc áp dụng chỉ số để thực hiện thủ tục điều chỉnh giá” – Phó Tổng Giám đốc COMA Vũ Xuân Thắng chia sẻ.

Đồng quan điểm, Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, tại thời điểm hiện nay giá cả leo thang không thể kiểm soát được biến động theo từng ngày, từng tháng, vượt qua mức biến động trong lịch sử từ trước tới nay.

“Tuy nhiên đến nay chưa có hướng dẫn giải pháp điều chỉnh, tháo gỡ kịp thời nào nên chúng tôi không thể huy động đủ nguồn vốn, có thể sắp tới phải thi công cầm chừng làm chậm tiến độ theo hợp đồng đã cam kết” – Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc cho hay.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đề nghị nhanh chóng triển khai điều chỉnh bù giá, trượt giá đối với các loại hợp đồng xây dựng phù hợp với tình hình thực tế thị trường.

Cụ thể, cho phép các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định chuyển thành hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh; Các hợp đồng đang thực hiện được điều chỉnh theo phương pháp bù trừ trực tiếp…

Về phía Hiệp hội, Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, rất nhiều khó khăn đến với các DN nhà thầu xây dựng, nếu không được tháo gỡ kịp thời cộng với việc không có công ăn việc làm, nhiều DN xây dựng thật sự đang đối mặt với thực trạng sẽ bị phá sản.

Để giải quyết tình trạng này, lãnh đạo VACC cho rằng cần luật hóa để đưa ra trách nhiệm pháp lý của chủ đầu tư trong và ngoài ngân sách. Và sắp tới VACC cùng VCCI đánh giá, xếp hạng chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, thời gian tới, VACC sẽ kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung quy định chủ đầu tư phải hoàn thành thanh toán với nhà thầu trong quá trình khi nghiệm thu, đánh giá, xếp hạng công trình xây dựng.

Translate »