Các nhà thầu Việt Nam đã có đủ năng lực thi công nhiều công trình đòi hỏi trình độ quản lý và áp dụng khoa học công nghệ cao nhưng đang bị đánh giá là thua ngay trên sân nhà. Vậy cần cơ chế chính sách gì và các nhà thầu tự vươn lên như thế nào để thắng thầu? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Ông Dương Văn Cận – Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) (ảnh) về vấn đề này.
Ông có đánh giá thế nào về năng lực tài chính và chuyên môn của đội ngũ nhà thầu Việt Nam khi tham gia đấu thầu và thi công các công trình xây dựng hiện nay?
Về năng lực các nhà thầu xây dựng Việt Nam, sau 25 năm hội nhập, ngành xây dựng phát triển nhanh chóng. Nhà thầu Việt đã có những bước tiến lớn về năng lực, cả về tài chính, công nghệ – kỹ thuật và nhân lực. Nhiều nhà thầu đã minh chứng điều này bằng việc thực hiện thành công các gói thầu EPC rất lớn, hiệu quả, tạo được niềm tin tốt ở các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Các thương hiệu nhà thầu lớn như LICOGI, VINACONEX, COFICO, Sông Đà… đã từng bước vươn lên rất mạnh, cả trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và giao thông.
Họ đã có đủ năng lực để cạnh tranh ở các gói thầu cạnh tranh với nhà thầu quốc tế. Lấy ví dụ trước đây để xây một ngôi nhà chừng 15 – 20 tầng với 1 đến 2 tầng hầm thì các nhà thầu Việt Nam rất lúng túng. Họ không biết dùng phương pháp gì để làm hầm, dùng phương tiện gì để cẩu vật liệu lên, rồi làm trên cao như thế nào… Nhưng bây giờ một tòa nhà 30- 35 tầng, các nhà thầu Việt Nam, nhất là các nhà thầu hàng đầu trong nước làm rất tốt. Hay khi thi công Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Thủy điện Sông Đà phải thuê hàng nghìn chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn cả về quản lý, thực hành và công nghệ. Ngày nay, trên mọi lĩnh vực thi công phức tạp như: Công trình giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng đều do người Việt đảm nhận và làm chủ công nghệ. Tổng công ty LILAMA thực hiện tổng thầu EPC các nhà máy thủy điện, nhiệt điện từ 750 – 1.200 MW, đảm nhiệm công trình lọc hóa dầu…
Ngành giao thông trước đây không thi công được cầu thì nay đã làm được những cầu lớn như: Bãi Cháy, Mỹ Thuận và nhiều công trình đường sắt, đường bộ, các cảng và sân bay… Lực lượng các nhà thầu hùng hậu phát triển nhanh chóng về số lượng và năng lực, tài chính, nhân sự và ứng dụng tốt tiến bộ khoa học. Các nhà thầu như Coteccons, Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình hoàn toàn có đủ khả năng đảm đương loại công trình này. Hơn nữa, các nhà thầu trong nước làm thầu với mức giá rất hợp lý và tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn nhân công lao động trong nước.
Vì sao nhà thầu Việt Nam luôn đóng vai thầu phụ cho các nhà thầu quốc tế ngay tại sân nhà, thưa ông?
Theo số liệu của VACC, phần lớn các nhà thầu Việt hạn chế về mặt tài chính. Các nhà thầu tư nhân thường có vốn nhỏ, các nhà thầu lớn có nguồn vốn lớn nhưng do Nhà nước nắm giữ phần chi phối. Chính vì vậy, việc sử dụng nguồn vốn này cần phải được sự phê chuẩn của rất nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian. Hiện một số chính sách thuế, tín dụng của Việt Nam chưa ưu đãi đối với chủ đầu tư và nhà thầu trong nước, trong khi một số nhà thầu nước ngoài được hưởng ưu đãi về xúc tiến đầu tư, chính sách thuế, chính sách tín dụng, tỷ giá ngoại tệ… đã tạo nên sự không bình đẳng trong tham gia đấu thầu.
Mặt khác, công trình lớn đều do các nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm, mặc dù tùy từng trường hợp cụ thể nhưng phần lớn do các lý do sau: Dự án có nguồn vốn tài trợ là nguồn ODA, quốc gia nào tài trợ thì nhà thầu của họ phải làm chủ thầu còn doanh nghiệp Việt Nam làm thầu phụ. Đây là điều kiện ràng buộc từ đầu để được vay vốn, nếu không đáp ứng được yêu cầu này tất nhiên sẽ không được tài trợ. Riêng với các nhà thầu Trung Quốc, họ chấp nhận hết các điều kiện chủ đầu tư đặt ra khi đàm phán, nhưng khi thực hiện hợp đồng lại không tuân thủ các điều khoản ghi trong hợp đồng. Còn về phía chúng ta, thì chủ đầu tư, vì nhiều lý do, lại không dám mạnh tay với các nhà thầu vi phạm.
Vậy, chính sách nào để nâng cao năng lực nhà thầu Việt Nam nhằm thắng thầu trong nước và quốc tế?
Năng lực cạnh tranh của từng nhà thầu không chỉ phụ thuộc vào thể trạng của chính họ mà còn phụ thuộc vào môi trường thể chế. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường xây dựng, đặt trọng tâm vào phát triển các yếu tố sản xuất; tài trợ thành lập các tập đoàn tư vấn, thiết kế lớn có cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm chuyên ngành; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động giám sát xây dựng… Đồng thời cần kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các vi phạm, quy định hạn chế đưa lao động nước ngoài vào làm việc tại nước ta. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới trong đó đặc biệt ngăn ngừa tình trạng thanh toán dây dưa, gây thiệt hại cho nhà thầu.
Bản thân các nhà thầu muốn giành lại lợi thế trên sân nhà, tôi cho rằng bên cạnh sự trợ giúp đắc lực bằng các cơ chế chính sách thích hợp và kịp thời từ các cấp quản lý; các nhà thầu Việt phải cố gắng, nỗ lực và nghiêm khắc với chính mình hơn, phải tự xây dựng chiến lược và mục tiêu cho mình. Ngay từ những công trình nhỏ phải có phương án tổ chức, quản lý dự án tốt, tạo được tư duy làm việc khoa học để dần hình thành cái chất cần có của nhà thầu.
Chúng ta đang thiếu phương pháp và tác phong làm việc khoa học có trách nhiệm của nhà thầu. Làm sao để chủ đầu tư thực sự yên tâm khi nhận sản phẩm của nhà thầu Việt làm ra. Bản thân các nhà thầu phải tự phấn đấu đào tạo nguồn nhân lực chuyên gia giỏi, ngoại ngữ tốt, kỹ thuật máy móc hiện đại và khẳng định bằng chất lượng và tiến độ công trình. Có những yếu tố này, nhà thầu Việt không cần tham gia đấu thầu cũng được các nhà thầu quốc tế tin tưởng chỉ định làm thầu phụ… Từ đó, nhà thầu Việt mới có được một sân chơi bình đẳng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Tin Tức