CAFE NHÀ THẦU XÂY DỰNG LẦN THỨ 4: ĐƯỜNG SẮT TỐC ĐỘ CAO BẮC NAM, CƠ CHẾ ĐẶC THÙ – CƠ HỘI ĐỂ NHÀ THẦU VIỆT NAM PHÁT TRIỂN

 

Sáng ngày 30/11, tại trụ sở Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã diễn ra chương trình “Cafe nhà thầu xây dựng” lần thứ 4. Chương trình do Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam chủ trì tổ chức, có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng cùng gần 30  doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị  chương trình lần này tập trung thảo luận về các cơ chế, chính sách để chuẩn bị cho các dự án lớn trong thời gian tới, đặc biệt là Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam sắp triển khai vào năm 2027. Bởi đây là một dự án quy mô, trọng điểm của quốc gia, không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp xây dựng của Hiệp hội.

Tại tọa đàm, ông Phạm Minh Hà – Thứ trưởng Bộ Xây dựng – nhận định đây dự án đầu tư công lớn nhất trong lịch sử đất nước. Để thực hiện dự án thì chúng ta phải nỗ lực và cần chuẩn bị rất nhiều nguồn lực. Ông cũng chỉ ra, cần xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy trình đặc thù cho dự án về kỹ thuật, an toàn, chất lượng; phải hoàn thiện khung pháp lý và chính sách liên quan đến phân cấp quản lý, thẩm định, triển khai, quy hoạch sử dụng đất, nguồn vốn, công nghệ… Việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan.

Dưới góc nhìn của đơn vị thiết kế, ông Đào Ngọc Vinh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (Tedi) chia sẻ, các hạng mục công trình của đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam gồm các hạng mục công trình: phần hạ tầng (cầu, đường; kiến trúc tầng trên là ray, cầu, hầm, ga, depo (trạm sửa chữa), trạm bảo dưỡng…); phần điều khiển chạy tàu (hệ thống thông tin tín hiệu, trung tâm điều khiển tàu); phần phương tiện tàu (đoàn tàu, toa tầu, đầu máy toa xe); phần cấp điện động lực cho toàn bộ hệ thống. Hiện dự án đang thực hiện ở bước nghiên cứu tiền khả thi, nên chưa có khung tiêu chuẩn cho dự án. Trong giai đoạn sau (bước nghiên cứu khả thi) thì các vấn đề công nghệ, hạ tầng thiết bị của dự án với được quyết định. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, riêng cấu phần làm hạ tầng, là các hạng mục cầu, đường, ga, hầm… là những hạng mục công trình “nằm trong tầm tay” của các nhà thầu xây dựng Việt Nam có thể đảm nhận được. Song với những thách thức lớn về năng lực thực hiện công trình tương tự, để đáp ứng được thì cũng cần có những cơ chế đặc thù để hỗ trợ nhà thầu trong nước tham gia.

Dưới góc độ doanh nghiệp, nhiều nhà thầu xây dựng Việt Nam đã và đang chuẩn bị chiến lược, nguồn lực để có thể sẵn sàng tham gia dự án. Thiếu tướng, Nguyễn Hữu Ngọc – Tư lệnh Binh đoàn 12 – cho biết, thời gian qua, các nhà thầu giao thông của Việt Nam phải cạnh tranh rất khốc liệt, thậm chí có nhà thầu chấp nhận chào thầu với mức giảm từ 20-40% giá gói thầu để trúng thầu vì thiếu việc làm. Để các nhà thầu Việt Nam có thể tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam thì cần có cơ chế đặc thù để bảo vệ những nhà thầu có năng lực thực hiện và đem lại lợi ích cho quốc gia.

Góp ý đưa ra giải pháp tăng cường nguồn lực cho nhà thầu Việt Nam, ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch HĐQT Fecon đề xuất nghiên cứu cơ chế ưu đãi lãi suất tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia dự án trọng điểm quốc gia, học hỏi kinh nghiệm từ các nước như Trung Quốc. Riêng đối với dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, việc chỉ định nhà thầu xây lắp là cần thiết để đảm bảo các yếu tố như năng lực thực hiện, tiềm lực tài chính và cam kết về bảo hành công trình.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Vinaconex đề xuất, trong giai đoạn đầu có thể đi theo định hướng chỉ định thầu và lựa chọn các đơn vị, nhà thầu đã từng tham gia các công trình được bộ cao tốc và có cấp công trình tương tự để giao cho doanh nghiệp, nhà thầu làm để doanh nghiệp, nhà thầu có cơ hội nâng cao năng lực; mặt khác dự án triển khai trong thời gian dài 2027 – 2035, các doanh nghiệp trong nước cũng hoàn toàn có khả năng, năng lực để triển khai dự án. Với hành lang pháp lý rõ ràng, nhà thầu khi tham gia dự án cũng tự tin hơn trong việc đầu tư công nghệ và nhân lực để tham gia sâu hơn vào các hạng mục, gói thầu của dự án.

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành nêu quan điểm, với tính chất cần đảm bảo độ chính xác cao, các yêu cầu về sai số kỹ thuật là ít nhất, thậm chí không cho phép sai số đòi hỏi năng lực của nhà thầu thi công sẽ phải đáp ứng yêu cầu rất nghiêm ngặt từ con người, tới công nghệ, thiết bị thi công… Tuy nhiên, nhiều nhà thầu xây dựng hiện đã sớm có những chuẩn bị trước bằng việc nghiên cứu, tìm hiểu và hợp tác với các đơn vị quốc tế có kinh nghiệm, uy tín về công nghệ đường sắt để hợp tác để có thể tham gia dự án này.

Phát biểu kết thúc buổi toạ đàm, Ông Nguyễn Quốc Hiệp xin ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến chia sẻ, đóng góp của đại diện các nhà thầu xây dựng. Hiệp hội sẽ tập hợp  và đưa ra những kiến nghị kịp thời về cơ chế đặc thù cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với Thủ tường Chính phủ.

Một số hình ảnh tại buổi”Cafe nhà thầu xây dựng” lần thứ 4 ngày 30/11/2024

T.A.D

Translate »